Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, hạn mức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm cho 18 ngân hàng thương mại chỉ tương đương con số thực tế khoảng 175-200 nghìn tỷ đồng. Điều này có nghĩa Ngân hàng Nhà nước vẫn còn giữ lại, chưa phân bổ khoảng 200 nghìn tỷ đồng, theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1-2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200 nghìn tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế để giải ‘cơn khát vốn’ của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Tính từ đầu năm đến nay, nhóm doanh nghiệp bất động sản huy động được 49.710 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 126.700 tỷ đồng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), 9 tháng vừa qua, có 20 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cùng 389 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 244.191 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt gần 134.892 tỷ đồng, tương đương 55% tổng giá trị phát hành.
Nhóm bất động sản đứng thứ hai với 49.710 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị phát hành (giảm gần 61% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10,35%/năm.
Đối với các nhà đầu tư miền Bắc, thị trường bất động sản phía Nam hiện như một “miền đất hứa” mới, trọng tâm là khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Sự cộng hưởng của các dự án quy mô đẳng cấp do các nhà đầu tư uy tín phát triển trong vài năm trở lại đây cùng sự quan tâm đặc biệt từ khách hàng miền Bắc đã và đang giữ nhịp sôi động cho thị trường bất động sản một số tỉnh khu vực phía Nam…
Đây là nhận định được đưa ra trong tọa đàm và giao lưu trực tuyến “Đầu tư bất động sản miền Nam – Lựa chọn dự án và phương thức đầu tư” do Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức chiều 14/10.
Kết quả khảo sát của VIRES công bố tại toạ đàm nêu rõ: so với cùng kỳ năm trước, trong 9 tháng đầu năm nay, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư phía Bắc đối với thị trường bất động sản Bình Thuận tăng 58%; Đăk Lăk tăng 48%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 44%, Hưng Yên tăng 15%, Quảng Nam tăng 14%… Con số này cho thấy các nhà đầu tư phía Bắc đang có xu hướng Nam tiến nhiều hơn là “yên vị trên sân nhà”.
Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi tỷ lệ giải ngân (theo hình thức ghi thu ghi chi) kế hoạch đầu tư, vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng năm 2022 trung bình cả nước mới chỉ đạt 15,48% kế hoạch vốn được giao là rất thấp. Trong đó, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương là 11,5% kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành là 22,94% kế hoạch vốn. Đáng chú ý, có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá
là 6.827 tỷ đồng. Trong khi đó, ngày 15/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, trong đó phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn trong nước và vốn ngoài nước) năm 2022 đạt từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính cho rằng việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương.
Năm 2022, tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng tại Khánh Hòa là hơn 1.000.000 m2 sàn, tương ứng với khoảng 13.400 căn nhà.UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh năm 2022. Theo đó, tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng là hơn 1 triệu m2 sàn, tương ứng với khoảng 13.400 căn nhà.
Cụ thể, dự kiến nhà ở thương mại tăng 3.742 căn; nhà ở xã hội tăng 819 căn; nhà ở phục vụ tái định cư là 420 căn và nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây là 8.417 căn.
Tỷ lệ xây dựng nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà tại TP Nha Trang (đô thị loại I) và TP Cam Ranh (đô thị loại III) đạt khoảng 40% tổng diện tích nhà ở của dự án với diện tích nhà ở chung cư. Tỷ lệ nhà cho thuê khoảng 30% tổng số nhà ở trong các nhà ở tại đô thị loại III.
Tổng nguồn vốn để thực hiện phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong năm 2022 dự kiến khoảng hơn 10.390 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nhà ở thương mại là 4.403 tỷ đồng, nhà ở xã hội là 315 tỷ đồng, nhà ở tái định cư là 273 tỷ đồng, còn lại là nhà ở dân tự xây.