“Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão, tức 36 ngày tới”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA viết trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.
Thay mặt các doanh nghiệp trong hiệp hội, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1%, tức nâng tăng trưởng tín dụng cả năm nay lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Thông tin trên Forbes cho biết, nền kinh tế thế giới đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhưng trong bối cảnh thế giới bị gián đoạn bởi đại dịch, nhiều nền kinh tế vẫn ghi nhận tăng trưởng và Việt Nam là một ví dụ.
Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, GDP bình quân đầu người năm 2021 của Việt Nam đạt 3.694,02 USD. Forbes nhận định, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng vô cùng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới. Forbes cho biết, ngay cả khi phân tích GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo giá trị đồng USD vào năm 2015 thay vì giá trị đồng USD ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.
Cụ thể, nếu tính theo giá trị đồng USD năm 2015, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 là 1.650,63 USD, trước khi tăng lên 3.373,08 USD vào năm 2021. Điều đó tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong 15 năm qua là 104,4%.
Các nhà cho vay lớn nhất Trung Quốc chuẩn bị bơm hơn 162 tỷ USD tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản của nước này. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với đòn bẩy trong ngành bất động sản – vốn gây ra một đợt lao dốc mạnh.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – nhà băng lớn nhất đại lục tính theo giá trị tài sản, thông báo sẽ mở rộng hạn mức tín dụng với tổng giá trị 655 tỷ NDT (92 tỷ USD) cho 12 nhà phát triển bất động sản. Các ngân hàng nhà nước khác bao gồm Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (PSBC) trong tuần này cũng tung ra các khoản vay mới cho lĩnh vực vốn mắc nợ nhiều.
Mở rộng hoạt động cho vay lúc này là động thái quan trọng với lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc. Ngành này đóng góp hơn 1/4 sản lượng kinh tế của đại lục nhưng rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trong hơn 1 năm nay, sau nhiều vụ vỡ nợ của các nhà phát triển sử dụng quá nhiều đòn bẩy, bao gồm Evergrande và nhiều công ty cùng ngành.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện cao tốc An Hữu – Cao Lãnh đã họp về tình hình thực hiện cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn trình bày với Ban Chỉ đạo về báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1).
Về tiến độ thực hiện dự án, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, đến ngày 18/11 đã cắm được 516/623 cọc giải phóng mặt bằng bằng bê tông, thuộc Dự án thành phần 1 trên địa bàn huyện Cao Lãnh; đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất được 422 cọc giải phóng mặt bằng.
Dự án thành phần 1 có diện tích thu hồi đất khoảng 55 ha, có 450 hộ dân bị ảnh hưởng, số nhà ở thu hồi là 45 căn, trên 23.800 cây trồng các loại.
Ngày 17/11, Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành.
Quyết định được ban hành trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đối diện nhiều khó khăn, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Một số đơn vị cũng đang tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương của lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% nhân sự.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đánh giá đây là động thái tích cực, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường.